Văn hóa làng bao gồm tổng thể các giá trị (vật chất và tinh thần) do cộng đồng dân cư ở các làng quê sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển. Đó là kiểu hình văn hóa đặc trưng, văn hóa “gốc” của nền văn hóa Việt Nam cổ truyền với những sinh hoạt văn hóa, thiết chế và liên kết xã hội hết sức chặt chẽ. Cùng với những biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bức tranh văn hóa làng cũng có sự biến đổi đa dạng, phức tạp, từ diện mạo, cảnh quan đến lối sống, các phong tục, tập quán, quan hệ xã hội, cách thức tiếp cận thông tin và giải trí.
Văn hóa làng là gì?
Văn hóa làng là hình thái văn hóa đặc biệt, gắn liền với các làng tụ cư cổ truyền ở nông thôn của người Việt, bao gồm tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần (phong tục, tập quán, lối sống, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo… ) do cộng đồng dân cư ở các làng quê sáng tạo ra, được biểu hiện trong xóm làng hay được đặc trưng bằng kết cấu xóm làng.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Tính cộng đồng của người Việt trong từng thời kỳ lịch sử
- Văn hóa lúa nước được hình thành từ những yếu tốt nào?
- Văn hóa thờ cúng tổ tiên nước ta đã xuất hiện từ rất lâu
Theo học giả Trần Quốc Vượng: “văn hóa Việt Nam cổ truyền về bản chất là một nền văn hóa xóm làng”. Còn nhà nghiên cứu Phan Đại Doãn nhấn mạnh: “Văn hóa làng có nội dung cực kỳ phong phú. Nhiều khi làng đã giải thể nhưng làng thì vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài”. Thực tế, các yếu tố, bộ phận trong văn hóa làng không tồn tại riêng biệt mà hòa quyện vào nhau tạo nên bản sắc, đặc trưng của cộng đồng làng; đồng thời làng luôn vận động và phát triển, các thế hệ kế tiếp luôn có ý thức sáng tạo, phát huy vốn văn hóa cổ truyền để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Những biến đổi cơ bản của văn hóa làng
Biến đổi không gian làng
Làng quê xưa, nhất là các làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ, với đặc trưng không gian tương đối khép kín, lũy tre làng bao quanh được xem như ranh giới giữa không gian cư trú và không gian sản xuất của làng. Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với sự thu hẹp đáng kể của diện tích đất nông nghiệp đã làm không gian cảnh quan ở các làng quê biến đổi rõ rệt. Bên cạnh không gian cư trú truyền thống được định vị theo các xóm, ngõ là những những hình thức tập trung dân cư mới theo nghề nghiệp: những xóm mới, phố – làng mới… khiến cho không gian cư trú và không gian sản xuất ở các làng hiện nay gắn bó chặt chẽ với nhau, không phân biệt rõ ràng như trước kia.
Biến đổi quan hệ gia đình, họ hàng, làng xã
Gia đình, họ hàng, làng xã là những thiết chế xã hội – văn hóa đặc trưng ở các làng quê, thể hiện tập trung và tiêu biểu những đặc tính trong đời sống xã hội của cộng đồng làng. Cùng với những tác động và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thiết chế gia đình, họ hàng, làng xã và những mối quan hệ xã hội liên quan ở các làng quê hiện nay cũng đang chứng kiến những đổi thay rõ nét của văn hóa làng.
Biến đổi di tích, tín ngưỡng, lễ hội và các phong tục tập quán
Đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc, người dân ở các làng quê có điều kiện quan tâm hơn đến việc bảo tồn, giữ gìn các di tích cũng như phục dựng các lễ tiết, lễ hội của làng. Các di tích được đầu tư nhiều tiền của, công sức tu bổ, làm mới, được đưa trở lại với ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội cổ truyền được tiếp nối, duy trì, ngày càng trở nên đặc sắc hơn với nguồn kinh phí tổ chức và nhân lực tham gia không ngừng được tăng cường, xã hội hóa. Bên cạnh các nghi lễ, trò vui truyền thống, lễ hội làng cũng được bổ sung nhiều hoạt động mới mang hơi thở cuộc sống đương đại, các trò chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ đặc sắc.
Những biến đổi văn hóa làng trong tiếp cận thông tin
Có thể bạn quan tâm:
- Văn hóa doanh nghiệp – Chìa khóa cho phát triển của tổ chức
- Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam – Vẻ đẹp của đất Việt
Đi cùng những đổi thay mạnh mẽ và sâu sắc của đời sống kinh tế – xã hội, nhu cầu và các hoạt động, phương thức trao đổi thông tin, giải trí của người dân ở làng quê cũng không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa. Bên cạnh các hoạt động văn hóa quần chúng, hệ thống đài truyền thanh cũng được phủ sóng đến từng thôn xóm, hệ thống thư viện, phòng đọc đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức đa dạng của người dân, hệ thống tiếp cận thông tin trong các gia đình cũng ngày càng được mở rộng, hiện đại hóa với những phương tiện nghe nhìn hiện đại: tivi, radio, điện thoại, máy vi tính có kết nối internet…
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn diễn ra ngày càng mạnh mẽ, kéo theo nhiều thay đổi trong đời sống văn hóa của người dân khu vực này. Trong thời gian tới, sự vận động, biến đổi này diễn ra ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần có hệ thống chính sách can thiệp phù hợp, nhằm phát huy những ảnh hưởng, xu hướng biến đổi tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, hướng đến sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng làng trong bối cảnh chuyển đổi.
Trên đây là những thông tin mình tổng hợp lại về văn hóa làng, mong rằng những nội dung trên đã mang lại thêm cho các bạn những kiến thức thú vị nhé.