Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, nhiều lĩnh vực trong xã hội đã phát triển nhanh và xa hơn trước. Diện mạo đời sống xã hội đã có nhiều sự đổi thay. Và gia đình cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chúng ta đều biết, gia đình là tế bào của xã hội. Xã hội đã khác xưa, không cớ gì cái tế bào của nó lại không thay đổi. Văn hóa gia đình truyền thống giờ đã biến đổi để thích nghi với điều kiện xã hội hiện nay để trở thành những gia đình hiện đại. Trong đó sự thay đổi lớn nhất chính là những giá trị văn hóa.
Văn hóa gia đình Việt Nam thông qua ứng xử
Nói đến văn hóa gia đình, trước tiên nói đến văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
Nếu như trước kia, bố mẹ luôn là người có tiếng nói rất quan trọng, thể hiện rất rõ quyền uy đối với con cái, con cái chỉ biết nghe và chịu sự chi phối rất rõ nét thì ngày nay, con cái đã được đối thoại với cha mẹ, được trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề trong cuộc sống. Con cái có thể nói lên những nguyện vọng, những chính kiến riêng của mình. Cha mẹ không chỉ đơn thuần là những người bề trên dạy bảo con cái mà hơn thế, trong rất nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình thành thị và trí thức, cha mẹ còn là những người bạn sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cái.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Văn hóa làng biến đối như thế nào trong thời hiện đại?
- Tính cộng đồng của người Việt trong từng thời kỳ lịch sử
- Văn hóa lúa nước được hình thành từ những yếu tốt nào?
Giờ đây mối quan mẹ chồng – nàng dâu, mối quan hệ này trong gia đình truyền thống luôn được coi là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, cũng đã thay đổi. Các bà mẹ chồng trong gia đình truyền thống đều tỏ ra khắt khe hơn với các nàng dâu. Sự khắt khe này không xuất phát từ tình cảm mà xuất phát từ những quan niệm nhận thức. Ngày nay, các nàng dâu được dễ chịu hơn vì quan niệm, nhận thức của cả xã hội đã thay đổi. Mối quan hệ này dần dần đã được cân bằng. Mẹ chồng nàng dâu tỏ ra hiểu nhau hơn, họ gần gũi và sẵn sàng sẻ chia với nhau hơn.
Quan niệm về hôn nhân và con cái
Trong văn hóa Việt Nam, quan niệm về con cái cũng khác trước. Trước đây, trong văn hóa gia đình người ta thường nghĩ đông con là có phúc nên việc có nhiều con là bình thường. Nhưng ngày nay, xu thế các ông bố bà mẹ chỉ muốn sinh ít, số lượng con chủ yếu là một hoặc hai con. Chủ yếu họ đánh giá cao sự nuôi dạy con cái thế nào cho tốt chứ không phải số lượng thành viên trong gia đình.
Quan niệm về hôn nhân trong gia đình truyền thống cũng khác với gia đình hiện đại. Trước đây, sự chi phối của cha mẹ trong hôn nhân của con cái rất lớn. Có nhiều gia đình bố mẹ có vai trò quyết định đến việc chọn bạn đời cho con. Giờ đây, thanh niên có sự chủ động chọn bạn đời cho mình. Họ được chủ động tìm hiểu và quyết định hôn nhân. Vấn đề môn đăng hộ đối không còn theo quan niệm nặng nề như trước đây nữa. Chủ yếu, thanh niên tự chọn bạn đời cho mình theo những tiêu chí riêng như hợp nhau về lối sống, quan niệm, nhận thức, tâm sinh lý…
Vai trò của người phụ nữ trong văn hóa gia đình
Văn hóa gia đình còn thể hiện rõ nét trong vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Sự thay đổi này là do sự bình đẳng giới hiện nay mang lại. Người phụ nữ hiện nay được chủ động trong công việc xã hội và nuôi dạy con cái hơn trước đây. Trước đây, người phụ nữ luôn chỉ là người đóng vai trò chính trong việc nội trợ và nuôi dạy con cái, ít có quyền quyết định những vấn đề lớn trong gia đình. Ngày nay, người phụ nữ đã tham gia cả vào hoạt động kinh tế trong gia đình.
Có thể bạn quan tâm:
- Văn hóa doanh nghiệp – Chìa khóa cho phát triển của tổ chức
- Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam – Vẻ đẹp của đất Việt
Đa số trong các gia đình, người đàn ông vẫn được coi là người chủ trong gia đình, nhưng hiện nay cũng xuất hiện nhiều bà mẹ đóng vai trò tay hòm chìa khoá, làm chủ gia đình. Họ có tiếng nói nhất định trong gia đình, kể cả những vấn đề quan trọng nhất như việc lo công ăn việc làm, cưới xin cho con cái. Điều này chứng tỏ nhận thức của xã hội về người phụ nữ nói chung đã thay đổi.
Quan niệm về con trai cũng dần dần thay đổi. Nếu như trước kia, việc có con trai là nhân tố quan trọng trong gia đình, nhiều gia đình quan niệm phải nhất thiết có con trai. Ngày nay, quan niệm này đã bắt đầu có sự thay đổi. Con gái cũng được đánh giá cao trong gia đình. Nhiều gia đình khi phân chia tài sản vẫn chia đều cho con cái không phân biệt trai gái. Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng dần giảm nhẹ, nhiều người cho rằng vấn đề ở đây là việc con cái trưởng thành ra sao chứ không phải việc con trai hay con gái.
Trên đây là những nét đặc trưng trong văn hóa gia đình Việt Nam thời xưa. Mong rằng thông qua nội dung bạn đã biết thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé.