văn hóa việt namLàng Văn hóa Đông Bắc – Một di sản văn hóa cần...

Làng Văn hóa Đông Bắc – Một di sản văn hóa cần bảo tồn

Nằm giữa thị trấn Chũ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có một địa điểm rất đáng để người dân trong huyện và du khách gần xa ghé thăm và cảm nhận trong chuỗi hành trình về miệt vườn cây trái đa dạng và đang dần vào chính vụ, đó là Làng Văn hóa Đông Bắc. Ngôi làng do Hợp tác xã du lịch Đông Bắc được thành lập và quản lý từ tháng 8/2020. Gần đây, ngôi làng đã trở thành cái tên quen thuộc của du khách khi muốn tận hưởng không gian trong lành, bình yên, nguyên sơ và thuần khiết.

Thông tin về làng văn hóa Đông Bắc

Làng Văn hóa Đông Bắc có diện tích khoảng 1.6 ha, bao gồm những ngôi nhà gỗ truyền thống của các dân tộc: Tày, Sán Dìu, Nùng, nhà đất trình tường và tháp phật giáo 11 tầng; lầu nghinh phong; lầu thưởng nguyệt; bức phù điêu Con cháu Lạc Hồng và một số các cầu xây dựng theo kiến trúc cổ…; Tại đây cũng trưng bày các cổ vật, hiện vật sản xuất của các dân tộc Đông Bắc qua các thời kỳ như (Cối giã gạo, cối xay lúa, rìu đá, giáo đồng, lưỡi hái, cày, bừa, giỏ cua, lưới, nơm, gùi…).

Ông Lê Văn Tiến- Giám đốc HTX và là người đầu tiên có ý tưởng hình thành mô hình làng văn hóa Đông Bắc cho biết: Mục tiêu xây dựng mô hình này là vừa bảo tồn các di sản, văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng vừa tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và góp phần giải quyết việc làm cho lao động.

Có thể bạn muốn xem thêm:

Thông tin về làng văn hóa
Thông tin về làng văn hóa

Vì ý thức được cần phải giữ gìn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương Lục Ngạn, qua các công trình kiến trúc, các tài liệu hiện vật quý nên Làng văn hóa Đông Bắc được ông Lê Văn Tiến ấp ủ và đầu tư sức người, sức của biến giấc mơ của mình thành hiện thực trong thời gian ròng rã 20 năm với kinh phí đầu tư trên 70 tỷ đồng. Đây là giấc mơ và cũng là hoài bão của ông, nay đã thành hiện thực.

Bên cạnh đó, ông cũng tạo dựng các không gian trưng bày những sưu tập đồ vật trang trí, công cụ lao động sản xuất đậm chất làng quê vùng Lục Ngạn. Trong năm 2021, Làng Văn hóa Đông Bắc tiếp tục được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch quan tâm, từng bước ổn định và đi vào chiều sâu góp phần thu hút khách tham quan, khai thác có hiệu quả hơn không gian văn hóa các dân tộc. Các hoạt động thường niên được tổ chức đều đặn và ngày càng phong phú về nội dung và hình thức.

*Mời các bạn tìm hiểu thêm về làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đây là một địa điểm du lịch gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử đầy màu sắc.

Tham quan du lịch tại làng văn hóa Đông Bắc

Khi đến tham quan trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Làng Văn hóa Đông Bắc, du khách sẽ có nhiều bất ngờ, thú vị về cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi đây. Ngoài việc gìn giữ những nét phong tục văn hóa độc đáo của một số dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lục Ngạn như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu…, đến đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện thú vị về ý tưởng, thời gian xây dựng các công trình, nguồn gốc, ý nghĩa các hiện vật được bài trí trong từng công trình đó. Dù nằm giữa thị trấn khá nhộn nhịp và sôi động nhưng Làng Văn hóa Đông Bắc vẫn giữ trọn cho mình vẻ đẹp giản dị, trong lành.

Tham quan du lịch tại làng văn hóa Đông Bắc
Tham quan du lịch tại làng văn hóa Đông Bắc

Tới thăm nơi đây, không chỉ hòa mình trong bầu không khí yên bình, du khách còn được tìm hiểu các giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo và ấn tượng thông qua kiểu dáng, kết cấu, kiến trúc một ngôi nhà trình tường (ngôi nhà điển hình mà đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu trước đây đều ở) bằng hỗ hợp đất sét, sỏi son trộn đều vào các khuôn gỗ, dùng chày vồ đập cho đất gắn kết với nhau tạo nên một bức tường chắc chắn, tường nhà này dày từ 50 – 70 cm rất chắc chắn. Để có một ngôi nhà kiên cố có tuổi thọ hàng trăm năm thì người xây dựng phải mất rất nhiều thời gian và công sức.

Ngôi nhà giúp che mưa che nắng tốt hơn do được đồng bào sử dụng những viên ngói âm dương để lợp mái nhà. Những viên ngói này không chỉ tăng hiệu quả che chắn của mái nhà mà còn làm đẹp cho ngôi nhà bởi qua thời gian mái ngói sẽ phủ màu rêu phong cổ kính rất đặc trưng. Điều mà hầu hết thế hệ trẻ sau này ít dịp được thấy do sự du nhập của nền kiến trúc hiện đại xuất hiện ngày một nhiều trong các thôn bản dân tộc ít người trong huyện Lục Ngạn.

Mái nhà trình tường giản dị như chính chủ nhân của chúng, những con người bình dị mà kiên cường. Trong những năm trở lại đây, các ngôi nhà trình tường của người Tày – Nùng Lạng Sơn được du khách và các nhiếp ảnh gia chú ý tới nhiều, bởi nét cổ kính cũng như những giá trị văn hóa bản sắc dân tộc ẩn chứa trong mỗi ngôi nhà.

Lối kiến trúc độc đáo, thú vị

Lối kiến trúc độc đáo, thú vị
Lối kiến trúc độc đáo, thú vị

Có thể bạn quan tâm:

Bên cạnh giá trị về sự độc đáo của ngôi nhà được trình bằng đất kiên cố, mộc mạc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, du khách còn được chiêm ngưỡng những mô hình kiến trúc mang đậm dấu đậm chất làng quê truyền thống Bắc Bộ với “cây đa-giếng nước-cổng làng”, những bức tường đá cao cao, những con đường nhỏ dẫn vào từng ngõ nhỏ, tạo nên một không gian trầm tư, êm ả nơi này, thu hút rất đông du khách đến tham quan. Đến thăm Làng Văn hóa Đông Bắc, du khách đừng quên khám phá thêm quần thể di tích lịch sử xung quanh như cụm di tích đình, đền, chùa Khánh Vân, thăm những vườn cây ăn quả ngon nổi tiếng trong và người nước ở vùng đất này, thăm hồ Cấm Sơn thơ mộng, hữu tình.

Có dịp du lịch vùng đất Lục Ngạn, thời điểm này, mùa quả ngọt đã tới, mùa đất lên hương, mùa đón chào du khách muôn phương tới du lịch và trải nghiệm, du khách nhớ đi thăm Làng Văn hóa Đông Bắc để cảm nhận chân thực hơn vẻ đẹp nơi này.

XEM NHIỀU NHẤT