Văn hoá doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong gắn kết các thành viên trong tổ chức mà còn giúp đạt được mục tiêu, chiến lược mà công ty đã đề ra. Tuy nhiên, để xây dựng được văn hoá mang nét đặc trưng và riêng biệt là một điều không dễ dàng. Vì vậy, tổ chức nên hiểu rõ được các mô hình văn hóa doanh nghiệp khác nhau như thế nào để có thể xác định và lựa chọn một hướng đi phù hợp trong việc phát triển tổ chức bền vững.
Mô hình văn hoá gia đình
Điểm đặc biệt của doanh nghiệp thuộc mô hình gia đình là môi trường làm việc thân thiện, nhấn mạnh đến sự đồng thuận và thúc đẩy hoạt động làm việc nhóm của nhân viên. Do đó, đây là mô hình có tính hợp tác cao, ít cạnh tranh nhất trong bốn loại hình văn hóa doanh nghiệp.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo nên thương hiệu
- Yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp hiệu quả và hoàn thiện
- Vai trò của văn hoá doanh nghiệp đối với sự phát triển
Mô hình văn hóa doanh nghiệp gia đình có tính khép kín, phù hợp với công ty có quy mô nhỏ và phổ biến tại các nước Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc… Người lãnh đạo như chủ gia đình với trách nhiệm chăm lo cho các thành viên và đòi hỏi sự trung thành đến từ mọi người. Nhân viên lớn tuổi, giàu kinh nghiệm thường nắm các vị trí quản lý then chốt, đồng thời có quyền hành nhất định trong tổ chức đó.
Ưu điểm: Mô hình văn hóa gia đình thường mang đến sự gắn kết giữa các thành viên bởi lòng trung thành và các giá trị truyền thống.
Nhược điểm: Những giá trị của văn hóa gia đình sẽ kìm hãm sự sáng tạo và phát triển của mỗi thành viên. Việc trao quyền cho nhân sự lớn tuổi khiến cho lớp nhân viên trẻ cảm thấy không có động lực, tinh thần để cống hiến hết mình cho tổ chức.
Đa số các công ty Nhật Bản được xây dựng theo mô hình văn hóa gia đình. Các công ty Nhật Bản thường cung cấp những dịch vụ giá rẻ cho nhân viên của mình. Tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ở, sinh hoạt đồng thời hỗ trợ con cái và quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình của nhân viên.
Mô hình văn hoá doanh nghiệp thị trường
Giá trị cốt lõi của mô hình văn hóa doanh nghiệp này chính là hoàn thành công việc với kết quả tốt nhất. Mọi nhân sự đều hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của mình với công việc và tổ chức, do đó họ sẽ cống hiến hết mình để đạt được mục tiêu đặt ra.
Mô hình văn hóa thị trường phù hợp với tổ chức có đội ngũ làm việc theo nhóm hoặc dự án mang tính tạm thời. Bởi vậy, nhiều thành viên sẽ ngừng kết nối và giảm tương tác với đồng nghiệp mỗi khi có một dự án kết thúc.
Ưu điểm: Mô hình văn hóa thị trường tạo ra sự bình đẳng tại nơi làm việc, khuyến khích các thành viên chủ động trong công việc với tinh thần tự giác, học hỏi liên tục để nâng cao và phát triển kỹ năng.
Nhược điểm: Các nhóm làm việc thường có mối quan hệ kém khăng khít, sự gắn kết bắt đầu khi thành viên gia nhập vào dự án và trở nên tách rời khi kết thúc công việc nhóm.
Mô hình văn hóa doanh nghiệp sáng tạo
Mang đến cho khách hàng sản phẩm và dịch vụ chất lượng là điều mà các công ty sở hữu mô hình văn hóa sáng tạo hướng tới. Ban lãnh đạo trong những doanh nghiệp này thường định hướng làm việc với tư duy tiến bộ, sẵn sàng đương đầu với rủi ro. Nhân viên được thỏa sức sáng tạo tự do, không ngừng học tập, đổi mới để phát huy tối đa năng lực của bản thân nên môi trường làm việc đôi khi nhiều áp lực và có tính cạnh tranh cao.
Có thể bạn quan tâm:
- Văn hóa Hà Nội thủ đô ngàn năm văn hiến có gì đặc biệt?
- 17 Lễ hội ở Việt Nam tạo nên nét độc đáo của dân tộc
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực Marketing, công nghệ thường áp dụng mô hình văn hóa sáng tạo bởi cấu trúc đơn giản, không áp lực về hệ thống thứ bậc, đặc biệt là ưu tiên sự sáng tạo và đổi mới. Do đó, mô hình văn hóa sáng tạo được đánh giá là một trong những loại hình văn hóa doanh nghiệp phổ biến rộng rãi trong tương lai.
Ưu điểm: Phát huy tối đa khả năng sáng tạo và đổi mới, nâng cấp kiến thức cho mỗi nhân viên mà không bị ràng buộc bởi các quy trình là nét đặc trưng của loại hình văn hóa doanh nghiệp này.
Nhược điểm: Môi trường mang tính cạnh tranh cao nên nhân viên dễ rơi vào áp lực và thiếu tinh thần làm việc nhóm. Nếu doanh nghiệp áp dụng mô hình văn hóa này nhưng không có kế hoạch truyền thông nội bộ cụ thể hoặc chế độ đãi ngộ, phúc lợi tốt dễ gây ra sự đứt gãy trong kết nối đội ngũ.
Mô hình văn hóa doanh nghiệp thứ bậc
Văn hóa thứ bậc được thể hiện rõ qua việc áp dụng quy trình làm việc vào quá trình hoạt động và định hướng để phát triển cho doanh nghiệp. Các tổ chức vận hành công ty trơn tru nhằm hướng đến sự ổn định về lâu dài. Mọi công việc đều được quản lý chặt chẽ bởi hệ thống thứ bậc, nhân viên có trách nhiệm tuân theo chỉ đạo của lãnh đạo. Đây là mô hình quản lý phổ biến ở cơ quan nhà nước, nhà máy, bệnh viện với nhiều cấp quản lý theo dõi và giám sát.
Ưu điểm: Doanh nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động với quy trình làm việc thống nhất và hướng đến sự ổn định, phát triển cùng mục tiêu dài hạn, vững bền.
Nhược điểm: Mô hình văn hóa thứ bậc hạn chế khả năng học hỏi và sáng tạo của đội ngũ. Mọi sự thay đổi trong công việc sẽ tốn rất nhiều thời gian khi phải thông qua các cấp quản lý và lãnh đạo với hướng dẫn, quy trình, thủ tục phức tạp.
Mô hình văn hóa thứ bậc được áp dụng rộng rãi và mạnh mẽ tại Đức. Đặc trưng của người Đức chính là không thích sự bất ngờ, họ đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc kinh doanh và vận hành tổ chức theo thứ tự từ trên xuống để hạn chế các tình huống phát sinh trong quá trình hoạt động.
Trên đây là những mô hình văn hóa doanh nghiệp phổ biến trên thế giới, hy vọng những thông tin trên đã mang lại những kiến thức hữu ích dành cho bạn nhé.