Trống đồng Đông Sơn trước khi là biểu tượng văn hóa vẫn giữ chức năng chủ yếu của một nhạc khí. Trống Đồng được xem là tượng trưng cho quyền lực của các vị thủ lĩnh ngày xưa. Các vị vua sẽ thưởng cho các tù trưởng người dân tộc bằng những chiếc trống đồng này.
Không chỉ các nhà khoa học Việt Nam mà nhiều nghiên cứu từ khắp thế giới cũng mong muốn giải mã trống đồng thời kỳ Đông Sơn. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu về trống đồng trong văn hóa cũng như ý nghĩa đặc biệt của nó cho đến ngày nay.
Trống đồng Đông Sơn – Biểu tượng văn hóa Việt Nam
Trống đồng Đông Sơn là tên một loại trống đồng, tên gọi đã cho thấy nó là đại diện tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (tồn tại từ 700 TCN – 100) của người Việt cổ. Những chiếc trống cổ có quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, hài hoà, nhìn vào nó có thể thấy trình độ rất cao về kỹ năng và nghệ thuật của nghệ nhân xưa.
Hơn nữa trống đồng cũng khắc họa lại sự phồn thịnh, sức mạnh của nước Việt vào thời điểm đó. Đặc biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa trên mặt trống đã miêu tả chân thật đời sống sinh hoạt của con người.
Người đời sau rất tự hào khi được nhìn lại thời kỳ dựng nước mà người ta vẫn cho là chìm trong đám mây mù của truyền thuyết Việt Nam. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là nơi lưu giữ một số lớn trống đồng Đông Sơn mà bạn có thể ghé thăm để chiêm ngưỡng trực tiếp.
Cho đến nay, theo các số liệu đã công bố cho thấy đây là bộ sưu tập lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới. Ngôi sao nhiều cánh ở giữa mặt trống tượng trưng cho thần Mặt Trời bởi theo quan niệm của người dân Văn Lang thần Mặt Trời là vị thần tối cao, là cội nguồn sự sống.
Nguồn gốc ra đời của trống đồng Đông Sơn là ở đâu?
Nhắc đến trống đồng Đông Sơn, vẫn chưa có căn cứ khoa học vững chắc nào kết luận chính xác về nguồn gốc xuất xứ và sự phát triển bắt đầu từ đâu.
3 giả thuyết, quan điểm về quê hương của trống đồng
Đến nay đã có rất nhiều giả thuyết, tranh cãi về nguồn gốc của trống đồng, trong đó có 3 luồng quan điểm chính được cho là khá hợp lý và được nhiều người đồng tình đó là:
- Các học giả Trung Quốc cho rằng phiên bản đầu tiên, là nguồn gốc của trống đồng từ ở Vân Nam, Trung Quốc.
- Các nhà khảo cổ học Việt Nam khẳng định trống đồng có quê hương ở nước ta, cụ thể là nguồn gốc từ vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Việt Nam.
- Một luồng quan điểm khác lại cho rằng trống đồng Đông Sơn được phát minh từ một vùng rộng bao gồm cả Vân Nam, Quảng Tây ở Trung Quốc cũng bao gồm vùng Bắc Bộ Việt Nam.
Minh chứng cho thấy trống đồng là sáng tạo của người Việt
Trong cuốn “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn”, tác giả Tạ Đức đã khẳng định trống đồng hoàn toàn là sản phẩm văn hóa bắt nguồn từ Việt Nam và được người Việt Phát triển. Ông đã đưa ra hệ thống các luận cứ, bằng chứng để chứng minh quan điểm của mình.
Theo các tài liệu ghi lại, thời gian trống đồng tồn tại là giữa kỷ thứ 7 trước Công nguyên, phát triển mạnh mẽ kéo dài đến thế kỷ 6 sau Công Nguyên. Trống xuất hiện từ nền văn hoá Đông Sơn có nghĩa là nó gắn liền với thời kỳ các Vua Hùng. Đây là giai đoạn dựng nước Văn Lang, cho thấy từ rất sớm nước Việt đã ở đỉnh cao của sự hoàn thiện kỹ thuật chế tạo là trống đồng. Đặc biệt phải kể đến trống đồng Đền Hùng có kích thước loại 1 lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện từ năm 1990.
Chức năng của trống đồng là gì?
Như đã nói ở trên, trước khi được xem là biểu tượng mang giá trị văn hóa và giá trị lịch sử thì chức năng chủ yếu của trống đồng vẫn là chức năng của một nhạc khí.
Vào thời điểm Trống Đồng tồn tại, nó còn tượng trưng cho quyền lực của các vị thủ lĩnh ngày xưa. Viêc các vị vua dùng trống đồng thay cho vàng bạc châu báu để thưởng cho các tù trưởng người dân tộc nhằm thể hiện uy quyền của nhà nước đối với các vùng tự trị này.
Theo tín ngưỡng của người Việt, người ta tin tưởng rằng trống đồng là một vật linh. Bởi có vị thần tự xưng là thần trống đồng (hay thần Đồng Cổ) có công lao lớn trong việc giúp nhiều triều đại Việt Nam trong việc giữ nước hộ dân kể từ thời Vua Hùng và vẫn bảo hộ nước Việt cho đến đến nhà Lý, nhà Trần…
Trống được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, trong lễ hội, ngoài ra trong các cuộc chiến tranh, người thủ lĩnh bộ lạc còn kêu gọi mọi người tụ họp để chung sức chiến đấu thông qua việc đánh trống đồng. Người thủ lĩnh có quyền lực càng lớn sẽ xứng tầm với những chiếc trống càng to và đẹp, được chạm khắc tỉ mỉ trong từng chi tiết. Và sau đó nữa trống đồng vẫn được coi là một tài sản quý sẽ được chôn theo khi người chủ của nó qua đời.
Những đặc điểm nổi bật của trống đồng Đông Sơn
- Kích thước trống đa dạng trong đó đường kính phổ biến nhất là từ 30cm đến 80cm, chiều cao dao động từ 30cm đến 70cm. Có những mẫu trống đồng khổng lồ được chế tác đặc biệt nhưng không nhiều. Giữa mặt trống có hình ngôi sao, hầu hết là sao 12 cánh (một số tài liệu cho rằng số cánh đặc biệt này tượng trưng cho 12 tháng trong năm). Thêm vào đó, xen giữa các cánh sao là họa tiết lông công, cũng có thể là những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau.
- Trống đồng không thể thiếu những hình vẽ thể hiện sinh hoạt của cộng đồng người Việt cổ. Nếu chú ý bạn sẽ nhận ra các hoạt động như: giã gạo, săn bắt, thờ cúng hay cả cảnh trẻ em chơi đùa được tái hiện vô cùng chân thật. Bao quanh các ngôi sao còn có một số họa tiết có hình người, vật, động vật và hoa văn hình học.
- Hoa văn hình học thường gặp như: đường chấm nhỏ, vành chỉ trơn, vòng tròn chấm giữa,… Cũng có thể là các chữ của người Việt cổ hay vòng tròn đồng tâm chấm giữa, hoa văn răng cưa và vạch ngắn song song,…
- Thân trống thường có hình thuyền, một số sẽ là hình vũ sĩ, số khác sẽ mô phỏng chim, thú thông thường thì chỉ có hoa văn hình học. Quai trống đồng thường làm theo hình dây thừng bện rất dễ nhận dạng.
Ý nghĩa của trống đồng Đông Sơn như thế nào?
Trống đồng không chỉ là vật linh thiêng, nhiều chuyên gia lịch sử đồng tình rằng trống đồng Đông Sơn thể hiện thông điệp làm nên biểu tượng tập trung nhất những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội. Hơn bất cứ điều gì, trống đồng khắc hoặc quyền uy của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta chính là Nhà nước Hùng Vương. Trống đồng không chỉ là nhạc khí thông thường, nó được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, xuất hiện tại lễ hội và dùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Trống đồng là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp cần được lưu giữ
Những hình khắc họa trên trống lưu truyền cho đến ngày nay đã giúp thế hệ sau hình dung về cuộc sống của người Việt cổ. Hoa văn trên trống đồng có nhiều loại nhưng cách sắp xếp, bố trí hợp lý trên các phần mặt, tang và thân trống là sự tổng hợp hài hòa mang ý nghĩa lịch sử.
Trống đồng được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích qua nhiều công trình nghiên cứu, tuy chưa thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa khi người Việt cổ tạo nên nó. Nhưng đây cũng là cơ sở khoa học quan trọng để phân loại trống và khắc họa những nét sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa Đông Sơn thời bấy giờ.
Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm tiêu biểu đại diện cho nền văn minh nông nghiệp phát triển. Nó là một hiện vật vô cùng quý báu, người Việt vô cùng tự hào trước khả năng sáng tạo và trình độ phát triển vào thời đại đó. Cho đến nay tại vùng đất Thanh Sơn miền Tây của tỉnh Phú Thọ vẫn còn tổ chức ngày hội Trống đồng của dân tộc Mường được nhiều người quan tâm.
Chính quyền tỉnh Phú Thọ đã khôi phục nghi thức linh thiên và tổ chức đánh trống đồng vào dịp tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch hằng năm). Đây như một lời tri ân cũng là lời khẳng định nền văn hóa Việt Nam vẫn trân trọng giá trị truyền thống.
Trống đồng là biểu trưng cho thịnh vượng và văn hóa Việt Nam
Tiếng trống đồng Đông Sơn không chỉ vang vọng ở Đền Hùng mà trong thời đại nào thì tiếng vang của nó cũng lan tỏa đến mọi miền đất nước. Quan điểm này khẳng định những giá trị về truyền thống, đạo lý và cả giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều cột mốc để dựng nước và giữ nước, đứng trước nhiều biến cố, thăng trầm thì trống đồng vẫn hiên ngang đứng vững, không hề mất đi giá trị trước sự phát triển đi lên của nhân loại. Trống đồng luôn là bảo vật của văn hóa Việt Nam, được tích tụ từ tinh hoa dân tộc và thể hiện sức mạnh cũng như tài năng của người Việt.
Nó đại diện cho cả một thời kỳ huy hoàng và gắn liền với nét đẹp văn hóa từ xa xưa đến nay vẫn được trân trọng. Không chỉ quá khứ và hiện tại mà những ẩn ý trên mặt trống đồng vẫn sẽ tiếp tục được tìm hiểu, chứng minh nhằm hiểu hơn về quá khứ, về văn hóa trong thời đại tồn tại của nó.
Lời kết
Trên đây là một số thông tin về trống đồng Đông Sơn – vật đại diện cho cả thời đại văn hóa Đông Sơn của nước Việt ta. Việc hiểu hơn về nguồn gốc, chức năng, đặc điểm và những ý nghĩa quan trọng của trống đồng sẽ góp phần truyền tải nhiều giá trị tốt đẹp hơn. Nếu có điều kiện bạn nên đến các bảo tàng để tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc trống đồng được lưu giữ gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.