Hơn 100 năm hình thành và phát triển, hát cải lương đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm theo lịch sử. Ngay từ khi ra đời nghệ thuật sân khấu cải lương đã phản ánh chân thực hiện thực lúc bấy giờ. Các đề tài xuất hiện trong các câu cải lương rất đa dạng và gần gũi. Nhờ đó, dù ra đời sau so với nhiều hình thức nghệ thuật trước đó, nhưng cải lương vẫn được đông đảo người yêu nghệ thuật ủng hộ và đón nhận.
Tạo sao có tên gọi hát cải lương?
Trước khi cải lương ra đời, công chúng đã quen thuộc với hai loại hình nghệ thuật là chèo và tuồng. Chèo mang đậm tính dân dã, trong khi đó tuồng (hát bội) được cho là đậm chất cung đình. Cải lương ra đời mang một luồng gió mới từ lời ca tiếng hát đến cách trình diễn. Có thời điểm, cải lương được ưa chuộng hơn chèo và tuồng.
Có nhiều lý giải khác nhau về cải lương, tựu chung lại “cải lương”: ở đây chính là sự đổi mới (theo nghĩa Hán Việt). Sửa đổi, phát triển để trở nên tốt hơn, khắc phục những yếu kém, thiếu sót để trở nên hoàn hảo và phù hợp với hoàn cảnh. Ngay từ khi ra đời, so với hát bội hay chèo, cải lương có sự đổi mới về sân khấu, kịch bản đề tài, dàn nhạc, bài bản và cả nghệ thuật trình diễn.
Sau “cải lương”, nghệ thuật cải lương đã “thoát xác” khỏi các hình thức nghệ thuật tiền thân trước đó cả về hình thức và nội dung. Từ đó, cải lương mang nét nghệ thuật riêng và độc lập.
Cải lương phổ biến ở đâu nhất?
Nếu chèo có nguồn gốc từ tỉnh phía Bắc, thì cải lương bắt nguồn từ miền Nam Việt Nam. Nếu tuồng đi từ miền Bắc vào miền Trung, rồi đến miền Nam, thì cải lương đi theo “lộ trình” ngược lại. Cải lương từ Nam Bộ, phát triển ra miền Trung, rồi “tràn” ra miền Bắc.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, hát cải lương phổ biến và hưng thịnh nhất ở miền Nam. Cho đến nay loại hình nghệ thuật này đã phát triển rất mạnh mẽ, có mặt trên khắp các sân khấu lớn nhỏ trải dài cả nước ta.
Đờn ca tài tử và các điệu hát dân ca của đồng bằng sông Cửu Long được coi là những tiền thân của cải lương. Cùng với đó hát cải lương cũng có sự tổng hợp của kịch nghệ thuật phương Tây và hát tuồng (hát bội). Tuy vậy, khi cuộc sống thay đổi, tư duy thay đổi cải lương cũng chuyển mình theo những giá trị mới đó.
Tại sao hát cải lương lại được ưa chuộng?
Dù đã trải qua hơn 100 năm với nhiều thăng trầm và cải biến, nghệ thuật cải lương vẫn giữ được giá trị cốt lõi của nghệ thuật Nam Bộ. Vở diễn cải lương thể hiện nét bi, chất anh hùng ca, chất chữ tình và cả tính khôi hài. Cùng với sự phản ánh chân thực đời sống là những lý do cải lương lấy được cảm tình của khách mộ điệu.
Nét bi trong hát cải lương
Tình yêu là chủ đề nổi bật thể hiện rõ chữ “bi” nhất. Trải qua các giai đoạn cuộc đời, số phận của một con người: từ biệt – sinh ly – chia lìa và gặp lại. Đào sâu vào những xung đột tình cảm, nét diễn chân thực của nghệ sĩ làm đậm thêm nét bi ai của nhân vật. Vở diễn luôn kết thúc theo hướng tích cực, mọi oan khiên đều được minh bạch.
Chất anh hùng cao
Ra đời trong thời điểm đất nước đang chống giặc ngoại xâm. Chất anh hùng ca xuất hiện trong các vở tuồng cổ từ những năm 1921 để khích lệ tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân. Sau này, khi cải lương kháng chiến, cách mạng ra đời, chất anh hùng ca càng được phát huy..
Chất trữ tình
Đây là đặc trưng của sân khấu cải lương. Các vở diễn có nội dung mang đậm tính văn học kịch. Các câu chuyện gần gũi với đời sống, các truyền thuyết, lịch sử, truyện kể dân gian… được sử dụng làm chất liệu chính cho các vở diễn. Phản ánh chân thực xã hội từ cổ xưa đến hiện đại, từ những câu chuyện về tình yêu, tình thân, tình bạn.
Chất hài
Hài là yếu tố không thể thiếu trong nghệ thuật hát cải lương. Thiếu nét hài, câu chuyện trong sẽ trở nên bị lụy, nặng nề, ảm đạm. Hài trong cải lương thể hiện chủ yếu thông qua ngôn ngữ, diễn xuất và ngoại hình của người diễn viên. Chứ không tập trung sâu vào tình tiết giống nét bi. Chất hài thường xuất hiện thoáng qua, tạo nên tiếng cười hài hước, sảng khoái vô tư nhưng cũng có phần châm biếm.
Đặc điểm cải lương khiến người nghe yêu thích
Dù là hình thức nghệ thuật “ sinh sau đẻ muộn”, nhưng cải lương nhanh chóng vượt qua “cái bóng” của chèo, tuồng hay đờn ca tài tử. Đúng theo nghĩa Hán Việt, cải lương để đổi mới, thay đổi theo hướng nhẹ nhàng, tích cực. Hát cải lương lạ nhưng vẫn gần gũi nên dễ dàng được công chúng đón nhận. Vở cải lương được dựng lên mang nhiều đặc điểm mới khiến người nghe yêu thích.
Trang phục và bối cảnh cụ thể
Trang phục và bố cảnh sẽ được chuẩn bị để phù hợp và phản ánh chân thực nhất nội dung vở diễn. Nếu nói về các đề tài xã hội, trang phục của diễn viên sẽ giống với ngoài đời. Các vở lấy cốt truyện nước ngoài hoặc các tuồng tích xưa, từ bối cảnh đến trang phục đều được lựa chọn cho phù hợp với bối cảnh thời kỳ đó. Mặc dù chỉ mang tính ước lệ nhưng tạo nên sự đặc sắc cho vở diễn.
Cách biểu diễn
Về biểu diễn, cải lương có nét diễn như kịch nói, khác ở chỗ chỉ ca chứ không nói. Dùng giọng tự nhiên, thật. Sau này cải lương cũng có thêm những cảnh diễn võ, đu bay, múa tạo thêm sự sinh động. Cử chỉ điệu bộ, hành động của diễn viên đều nhịp nhàng phù hợp theo lời ca tiếng hát, chứ không bị cường điệu hay mang tính tượng trưng nhiều như hát bội.
Dàn nhạc
Giữ vai trò chủ chốt và góp phần không nhỏ tạo nên linh hồn của nghệ thuật hát cải lương phải kể đến dàn nhạc. Dàn nhạc cổ trước đây gồm có ống tiêu, đàn kìm, đàn cò, ống sáo, song lang… Ngày nay trải qua nhiều giai đoạn phát triển, dàn nhạc cải lương còn có thêm sự xuất hiện của đàn organ, piano, guitar bass, guitar solo, trống và kèn saxophone clarinette.
Những vở diễn cải lương phản ánh hiện thực cuộc sống nên chân thực. Người yêu nghệ thuật đàn ca cũng vì thế mà cảm thấy gần gũi, dễ dung nạp và yêu thích hơn.
Nghệ sĩ và bài hát cải lương nổi tiếng
Góp phần không nhỏ vào thành công vào nghệ thuật hát cải lương hiện nay phải kể đến công sức của rất nhiều nghệ sĩ và tác giả. Những người đã viết lên các câu chuyện, và những người truyền tải được đó đến với các khán thính giả. Hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ và vở diễn nổi tiếng ghi dấu ấn trong lòng người xem, kể đến như:
- NSND Út Trà Ôn – với các tác phẩm: Kiều Phong A Tỷ, Nạn con rơi, Tuyệt tình ca,…
- NSƯT Ngọc Giàu – với tác phẩm: Cô gái Đồ Long,…
- NSƯT Phương Loan – với tác phẩm: Huyền thoại tình yêu, Hãy yêu nhau thật lòng,…
- NSƯT Diệp Lang – với các vở diễn: Hội đồng Dư, Tìm lại cuộc đời,…
- NS Út Bạch Lan – với vở diễn: Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển,…
- NS Kim Tử Long – vở diễn: Người đẹp bến Tiền Châu, Y Ban và nàng tiên…
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều cái tên quen thuộc như: Lệ Thủy, Minh Vương, Vũ Linh, Thanh Tòng… đều là những “viên gạch” chắc chắn cho nền nghệ thuật cải lương hiện nay.
Những vở cải lương nổi tiếng đã trở nên bất hủ được kể đến như: Tâm sự loài chim biển, Kiếp nào có yêu nhau, Thái hậu Dương Vân Nga, chuyện tình An Lộc Sơn, Người tình trên chiến trận, Tiếng hạc trong trăng, Đêm lạnh chùa hoang, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tiếng trống Mê Linh, Máu nhuộm sân chùa,…
Hát cải lương – Biểu tượng đời sống văn hóa tinh thần
Nghệ thuật dân gian xuất phát từ miền Nam ngày nay đã trở thành nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Cải lương như một món ăn tinh thần, tiếng nói của dân tộc. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nhưng loại hình nghệ thuật này luôn hướng tới tính nhân văn và thẩm mỹ, chuyển mình theo từng dấu ấn của thời đại.
Kết luận
Dù đổi mới những vẫn giữ được bản chất dân tộc, mang tính ưu việt cao. Mang đậm giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật. Do đó nghệ thuật hát cải lương dễ dàng được đón nhận, không bị lỗi thời. Nghệ thuật sân khấu này đẹp từ nội dung đến hình thức, mang theo truyền thống của người dân Nam Bộ nói riêng và truyền thống Việt Nam nói chung. Lớp trẻ nên tìm hiểu, học hỏi để có thể lưu giữ và phát triển hơn nữa.