Mâm ngũ quả là nét văn hóa truyền thống không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về của Việt Nam. Có nhiều cách trình bày khác nhau cũng như mỗi vùng miền sẽ mang những ý nghĩa khác nhau. Vậy làm như thế nào và những điều cần phải tránh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mâm ngũ quả là gì?
Mâm ngũ quả là một mâm gồm khoảng năm loại trái cây khác nhau được sắp xếp đẹp mắt, thường dùng để trưng lên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách vào ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Mỗi loại trái cây sẽ mang các ý nghĩa khác nhau.
Tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp sẽ thể hiện ước nguyện của gia chủ cho một năm mới sắp đến. Ngày nay, mâm trái cây 5 màu đã có nhiều thay đổi, thường được dùng với mục đích trang trí cho không khí ngày xuân hơn là mang ý nghĩa tâm linh.
Phong tục bày mâm ngũ quả có từ đâu?
Từ xưa, trong kinh Ullambana Sutra do Phật thuyết cho Mục Kiền Liên đã có nhắc đến về cách cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ bằng việc chuẩn bị mâm “trái cây năm màu” để cúng dường chư Tăng.
Mâm ngũ quả thường sẽ có 5 loại trái cây với 5 màu khác nhau. Theo quan niệm của Phật giáo, 5 màu sắc tượng trưng cho “ngũ thiện căn” là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Ngoài ra, trong tiềm thức của người Việt, 5 màu sắc ấy còn thể hiện cho mong muốn đạt được “ngũ phúc lâm môn”: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an). Thêm vào đó, trong văn hóa phương Đông cũng tồn tại rất nhiều quy luật tự nhiên khác được gắn liền với con số 5 (ngũ) này như: ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng…
Loại quả ý nghĩa khi xuất hiện trong mâm ngũ quả
Như đã biết, mỗi màu sắc hay mỗi loại quả trong mâm ngũ quả đều thể hiện cho ước nguyện của gia chủ vào ngày năm mới xuân về. Dưới đây là một số loại quả thường xuất hiện trong mâm cùng với ý nghĩa của từng loại.
- Chuối: tượng trưng cho sự đầm ấm và hạnh phúc, được bao bọc và che chở.
- Bưởi: mang ý nghĩa đem lại an khang, thịnh vượng.
- Dưa hấu: có ý nghĩa mang đến nhiều may mắn cho gia đình.
- Cam, quýt: tượng trưng cho sự may mắn với người miền Bắc, nhưng lại đen đủi với người miền Nam.
- Lựu: là loại quả của sự sinh sôi nảy nở, tượng trưng cho ước nguyện con đàn cháu đống, gia đình sung túc.
- Đào: tượng trưng cho mong muốn con đường công danh, sự nghiệp sẽ được ngày càng mở rộng và thăng tiến.
- Hồng: với màu sắc rực rỡ, tượng trưng cho sự thành đạt.
- Xoài: tượng trưng cho tiền bạc, với ước nguyện tiền tài đầy đủ, cuộc sống không thiếu thốn.
- Thanh long: là loại quả gắn với tiền tài, tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc.
- Táo: thể hiện ước nguyện cho sự giàu sang, phú quý và đầy đủ.
- Sung: mang ý nghĩa gắn liền với sự sung túc, đầy đủ tiền tài, cơ ngơi hoành tráng.
- Đu đủ: tượng trưng cho sự đủ đầy cơm ăn, áo mặc trong dịp sang năm mới.
- Phật thủ: thể hiện cho nguyện ước gia đình sẽ được bảo vệ khỏi những điều xấu xa.
- Quả trứng gà: tượng trưng cho lộc trời ban, theo đó gia đình sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ, nhiều sự may mắn trong tương lai.
Điều cần tránh khi bày mâm ngũ quả mà bạn nên biết
Mỗi gia đình sẽ có cách bày mâm ngũ quả khác nhau, tùy vào từng vùng miền, từng ước nguyện khác nhau của gia chủ. Tuy nhiên có một số điểm chung mà người chuẩn bị mâm trái cây dịp lễ cần phải lưu ý dưới đây.
Không chọn quả đã quá chín
Thông thường các gia đình đều chuẩn bị sắm sửa đồ Tết từ sớm từ ngày 27 – 28 Tết, thậm chí sớm hơn. Trong khi đó, mâm ngũ quả chỉ nên được chưng lên bàn thờ tổ tiên vào đêm 30 Tết. Do đó, bạn không nên chọn mua những quả đã chín đẹp, chín tới từ sớm.
Vì chỉ khoảng 2 – 3 ngày sau, trái cây có thể bị quá chín, vỏ mềm nhũn thậm chí dẫn tới bị úng quả. Điều này không chỉ mất thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa thiếu may mắn vào dịp năm mới. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những quả chưa chín hẳn (nhưng không được quá non). Như vậy, khi được bày lên bàn thờ thì quả sẽ vừa chín tới, vừa đẹp và bày được lâu hơn.
Không sử dụng trái cây giả
Hiện nay khá nhiều gia đình vì để tiết kiệm chi phí đã sử dụng loại hoa quả giả để bày lên bàn thờ. Tuy nhiên vào dịp đặc biệt như Tết đến xuân về, điều này sẽ thể hiện cho sự bất kính và không tôn trọng với ông bà tổ tiên. Ai ai cũng mong những điều tốt đẹp như tiền tài, sức khỏe, hạnh phúc sẽ đến với gia đình mình vào dịp năm mới. Mỗi năm chỉ có một lần Tết, do đó chúng ta không nên quá “chắt chiu” vào dịp lễ quan trọng này.
Không rửa trái cây quá sạch
Thông thường, mọi người sẽ rửa trái cây thật sạch, thật kỹ và nhiều lần để quả được bóng đẹp khi chưng lên mâm. Tuy nhiên, rửa trái cây quá nhiều lần có thể làm quả nhanh héo, có thể bị thối rữa nếu có chỗ bị đọng nước. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng khăn ẩm lau sạch trái cây là có thể bày lên mâm được.
Hiểu chưa đúng ý nghĩa mâm ngũ quả
Như đã biết, 5 màu sắc của mâm ngũ quả ứng với thuyết ngũ hành, mang ý nghĩa khác nhau về sự sinh sôi, nảy nở, may mắn và tài lộc. Bạn cần hiểu về thuyết ngũ hành để tránh mắc phải các lỗi khi bài trí như không đủ 5 màu hoặc tổ hợp quả không có ý nghĩa. Dưới đây là cách chọn màu quả bạn có thể tham khảo:
- Kim – trắng: quả lê, mận trắng…
- Mộc – xanh lá: mãng cầu, trái na, trái dừa, chuối xanh, xoài xanh, dưa hấu…
- Thủy – đen: vú sữa, nho đen, măng cụt…
- Hỏa – đỏ: hồng, thanh long, táo đỏ…
- Thổ – vàng: cam, quýt, dưa lê vàng, xoài chín, phật thủ…
Sự khác biệt văn hóa bày mâm ngũ quả giữa các miền
Tùy truyền thống của từng vùng mà sẽ bày mâm có các loại quả khác nhau đa dạng, cùng so sánh sự khác biệt dưới đây:
Miền Bắc
Các loại trái cây: thường có 5 loại gồm chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách sắp xếp truyền thống: Ở dưới cùng của mâm và đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác là chuối. Ở giữa là quả bưởi hoặc phật thủ và các loại trái cây khác thì bày xung quanh.
Các loại quả nhỏ như quýt vàng, táo xanh hoặc ớt chín đỏ thì có thể cài xen kẽ vào những chỗ còn trống. Ngày nay, nhiều gia đình cũng không câu nệ cứng nhắc về việc phải đủ “ngũ quả” như trước, do đó trên mâm có thể là bát, cửu, thập quả… và có nhiều loại trái cây phong phú hơn. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều quả hơn thì người dân miền Bắc vẫn gọi bằng cái tên “mâm ngũ quả”.
Miền Trung
Các loại trái cây: các quả thường thấy là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt, … Khác với miền Bắc, người miền Trung không tuân theo quy luật ngũ quả, nên họ có thể bày ít hay nhiều loại quả hơn tùy theo cách sắp xếp.
Cách sắp xếp truyền thống: người miền Trung thường xếp theo hình tháp hoặc hình long phụng với cặp dưa hấu đặt hai bên. Xung quanh có thể bày biện thêm các loại quả khác.
Mâm ngũ quả Miền Nam
Các loại trái cây: phổ biến là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Ngoài ra, nhiều gia đình miền Nam còn có thể thêm quả thơm/ dứa (mang ý nghĩa con cháu đầy nhà) hay một cặp dưa hấu vỏ xanh lòng đỏ (tượng trưng cho sự cầu may mắn).
Khác với 2 miền còn lại, người miền Nam có một số loại quả kiêng kỵ vì có tên mang ý nghĩa xấu, nên thông thường trong mâm họ sẽ không trưng các loại quả như:
- Chuối: vì phát âm tên của loại quả này tương tự như “chúi nhủi”.
- Trái lê: lê trong “lê lết”, đại diện cho sự khó khăn, dễ thất bại, khó thành công.
- Trái táo: người Nam thường gọi quả này là quả “bom” – một vật không may mắn.
- Sầu riêng: đa số người miền Nam rất thích ăn sầu riêng, tuy nhiên họ thường không trưng loại quả này lên mâm trái cây ngày Tết bởi vì cái tên “sầu” đọc lên có vẻ khá buồn.
Cách sắp xếp mâm ngũ quả phổ biến tại miền Nam, cái gia đình thường đặt đu đủ, dừa, xoài lên mâm trước, ở bên dưới để làm đế bởi ba loại quả này có hình dáng to và trọng lượng nặng. Sau đó sẽ bày các loại quả khác lên phía trên, tùy theo hình dáng và kích thước mà tìm vị trí cho phù hợp để tạo thành hình ngọn tháp.
Ý nghĩa mâm ngũ quả đối với 3 miền
Mỗi một miền Bắc – Trung – Nam mâm ngũ quả sẽ có ý nghĩa riêng biệt không giống với bất cứ địa phương nào. Cụ thể ý nghĩa từng vùng chi tiết sẽ được bật mí đầy đủ dưới đây:
Miền Bắc
Người miền Bắc thường theo thuyết Ngũ hành để bày trí mâm ngũ quả. Trong văn hóa phương Đông gọi là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, người miền Bắc đều phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng – Mộc màu xanh – Thủy màu đen – Hỏa màu đỏ – Thổ màu vàng.
Cách sắp xếp các loại quả tuy không quá khắt khe, nhưng phải trông đẹp mắt và phù hợp với phong thủy ngày Tết. Tuy ở đây, các gia đình không câu nệ số lượng nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại và phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.
Miền Trung
Vì bối cảnh cuộc sống của người miền Trung vốn khó khăn hơn các vùng miền khác một chút bởi thiên tai liên tục ập đến. Do đó, đời sống văn hóa của người dân miền Trung cũng sẽ thoáng đạt và bình dị hơn. Miền Trung thường là có gì cúng nấy, không câu nệ, không kiểu cách. Mỗi gia đình ở đây sẽ có một cách bày biện riêng, không theo quy tắc cụ thể nào, chỉ cần thành tâm là được.
Miền Nam
Mâm ngũ quả của người miền Nam thường cho một năm mới thường được bày biện theo ý nghĩa “cầu vừa đủ xài” hay “cầu sung vừa đủ xài”. Người miền Nam có một số loại quả cần kiêng kỵ vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt.
Nhìn chung, thông qua mâm trái cây của người miền Nam thể hiện rõ tính giản dị, bình dân, dân dã và hóm hỉnh của người dân nơi đây. Mỗi người có những ước muốn khác nhau và cuộc sống khác nhau, không mưu cầu cao sang, ai cũng chỉ cần “đủ” mà thôi.
Kết luận
Ngày nay, hình ảnh mâm trái cây 5 màu đã thay đổi đi ít nhiều so với truyền thống trước kia, mang ý nghĩa trang trí cho không gian xuân nhiều hơn là tâm linh. Đã không còn quá cứng nhắc về hình thức, rất nhiều phiên bản biến tấu đa dạng cả về số lượng lẫn loại trái cây xuất hiện. Mỗi miền sẽ có các cách thức và quy tắc trình bày khác nhau, nhưng mâm ngũ quả vẫn là vật truyền thống thể hiện cho một năm mới an khang thịnh vượng.