Mỗi người con đất Việt chắc chắn không ai là không biết đến món “bánh dày” truyền thống từ bao đời nay. Dù đi đâu về đâu, là “con cháu vua Hùng” chắc chắn không ai có thể quên được chiếc bánh trắng mềm, dẻo dai, mang hình ảnh và hương vị của quê hương. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc và cách thực hiện món bánh truyền thống này nhé!
Bánh dày là gì?
Bánh giầy (bánh dày) là một loại bánh truyền thống của người Việt Nam. Bánh thường được mọi người sử dụng nhân dịp vào dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền và vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương để thể hiện lòng đối với ông bà tổ tiên, các vị vua có công lập nước giữ nước và đất trời.
Vỏ bánh thường được làm từ gạo nếp giã thật mịn, nhân bánh thường là nhân đậu xanh và sợi dừa, nhân có thể có vị mặn hoặc ngọt. Do đó, bánh có màu trắng mịn, được tạo hình tròn. Trong tín ngưỡng xưa của người Việt bánh hình tròn sẽ tượng trưng cho bầu trời.
Tương tự như loại bánh trên, tại Nhật Bản cũng có một loại bánh nhân ngọt được làm từ gạo nếp gọi là mochi, tại bán đảo Triều Tiên thì có bánh tteok, , gaepi-tteok, gyeongdan và songpyeon.
Nguồn gốc ra đời của bánh dày từ đâu?
Bánh giầy hay dày đã xuất hiện từ rất lâu trước kia, cụ thể loại bánh này có nguồn gốc từ đâu?
“Bánh giầy” hay “bánh dày”?
Từ xa xưa, loại bánh này theo tiếng Việt cổ được gọi là “bánh chì”. Tuy nhiên, càng về sau thì âm “ch” bị biến âm thành “gi”, “i” thì biến thành “ây”. Sau này, có người sử dụng từ “bánh dày” vì nhầm lẫn “dày” nghĩa là dày/ mỏng. Do vậy, cùng một loại bánh nhưng chúng ta có nhiều tên gọi khác nhau, có thể sử dụng bất kỳ tên nào cũng không làm thay đổi về nghĩa.
Sự tích về loại bánh ý nghĩa
Nhắc đến “bánh dày”, chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến sự tích “Bánh chưng, bánh giầy” của vị hoàng tử tên Lang Liêu. Tương truyền vào đời vua Hùng thứ 6 của nước Văn Lang, nhà vua đang lựa chọn người kế vị để truyền ngôi nhưng không biết phải chọn ai. Người bèn ra một thử thách cho các con rằng “ai làm vừa lòng Vua thì sẽ được truyền ngôi cho”. Hoàng tử Lang Liêu đã được báo mộng về một loại bánh hình tròn tượng trưng cho trời (bánh dày), và một loại bánh hình vuông tượng trưng cho đất (bánh chưng). Do đó, trong khi các người anh của mình đều dâng lên “của ngon vật lạ”, thì Lang Liêu lại làm những chiếc bánh bằng chính nguyên liệu mà mình làm ra để dâng lên Vua cha.
Đấy là những chiếc với hình dáng đơn giản, trắng trẻo, dẻo dai và cực kỳ thơm ngon, cùng mang đầy ý nghĩa sâu sắc. Từ đó, nhà Vua đã vô cùng hài lòng và truyền ngôi lại cho Lang Liêu. Qua sự tích trên, ngoài việc giới thiệu nguồn gốc loại bánh đến từ chính ông bà tổ tiên của chúng ta, mà còn mang ý nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc, cũng như tầm quan trọng và sự gắn bó mật thiết với cây lúa nước nhà.
Bánh dày có ý nghĩa gì?
Bánh dày mang ý nghĩa tượng trưng cho nhiều điều khác nhau có Trời Đất, tình yêu và nhiều điều khác nữa, cụ thể:
Mang nghĩa đại diện cho Trời Đất
Như đã biết thì bánh dày gắn liền với một sự tích quen thuộc với mỗi con dân đất Việt – sự tích “bánh chưng, bánh giầy”.
Trong câu chuyện có kể rõ chi tiết thần nhân xuất hiện trong giấc mơ của Lang Liêu để mách bảo chàng về một loại bánh mới. Người đã giảng giải cặn kẽ về hạt gạo – hạt ngọc Trời ban, chính là nguyên liệu để làm nên chiếc bánh này.
Thêm vào đó, chiếc bánh hình tròn chính là đại diện cho Trời theo quan niệm của tổ tiên chúng ta từ xưa.
Là biểu trưng của tình yêu thương
Chỉ cần nhìn vào hình dáng bên ngoài, bạn cũng có thể thấy được sự kỳ công của người làm bánh trong từng công đoạn. Chiếc bánh mịn màng, được nắn nót tỉ mỉ sao cho lớp vỏ vừa mềm vừa không quá dày và lớp nhân vừa đủ để không làm rách vỏ bánh.
Chiếc bánh dày thân quen sẽ chất chứa đầy tình yêu thương cùng sự tỉ mỉ và khéo léo của bà, của mẹ. Điều này càng khiến cho món bánh trở nên đặc biệt và đáng quý hơn.
Món bánh đại diện cho vũ trụ, nhân sinh
Trong tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa, bánh dày đại diện cho âm, bánh chưng đại diện cho dương. Trên mâm cúng ngày lễ, bánh dày dành cho mẹ Tiên, bánh chưng dành cho cha Rồng – những nhân vật truyền thuyết Lạc Việt. Đây là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết, kết hợp với bánh chưng sẽ là một cặp để thể hiện cho sự sung túc và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Mang ý nghĩa cho sự no đủ, thịnh vượng
Một chiếc bánh hình tròn và đầy đặn là tượng trưng cho sự đủ đầy và trọn vẹn. Tuy chỉ là một chiếc bánh nhỏ và đơn giản nhưng đây chính là đại diện cho những ước nguyện của người dân vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Cách làm bánh có khó hay không?
Việc làm bánh không quá khó tuy nhiên cần có sự tỉ mỉ của người làm. Trước khi bắt đầu làm, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau: Bột nếp, Bột gạo, Sữa tươi không đường, Lá chuối và Dầu ăn. Dưới đây là cách làm đơn giản nhất để mọi người có thể thực hành tại nhà:
Bước 1: Chuẩn bị bột bánh
Cho 200gr bột nếp, 20gr bột gạo và 150ml sữa tươi không đường vào và trộn đều lên. Lưu ý, bạn cần nhào bột đến khi khối bột dẻo mịn và không bị dính vào tay.
Bước 2: Tạo hình bánh
Cắt lá chuối (hoặc giấy nến) thành hình vuông cho vừa với kích thước bánh (chiều dài khoảng 1 ngón tay). Sau đó, phết 1 ít dầu ăn lên lá chuối để khi hấp bánh dày không bị dính.
Ngắt bột thành những phần nhỏ đều nhau, vo tròn trong lòng bàn tay. Sau đó, dùng lòng bàn tay ép nhẹ viên bột xuống lá chuối cho dẹt ra. Kích thước phổ biến của bánh thường có chiều dài 6 – 7 cm và chiều cao khoảng 1 cm.
Bước 3: Hấp bánh
Khi hấp bánh, cần xếp bánh thưa nhau một khoảng cách phù hợp để bánh không bị dính vào nhau. Có thể đậy khăn lên xửng hấp bánh trước khi đậy nắp để nước không bị rò rỉ vào trong ngồi hấp. Hấp bánh trong vòng từ 8 – 10 phút, cho đến khi bánh chuyển sang màu trắng đục là được.
Bánh hấp xong bạn nên thoa thêm một chút dầu ăn lên bề mặt rồi dùng một miếng lá chuối khác đắp lên để bánh không bị khô. Đợi bánh nguội là bạn có thể dùng ngay. Bạn có thể ăn kèm bánh dày với chả giò hoặc biến tấu công thức để thêm nhân đậu xanh vào bánh tùy theo sở thích của mình.
Địa phương nào có bánh dày là đặc sản?
Ở nước ta, bánh dày là một món ăn truyền thống rất phổ biến và có mặt ở rất nhiều vùng miền trên khắp cả nước. Trong số đó, tại miền Bắc có một địa danh nổi tiếng gắn liền với món bánh này đó là Quán Gánh (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây, nay sáp nhập thành Hà Nội).
Mỗi khi đi qua đây, du khách đều gặp rất nhiều sạp bày bán loại bánh này – món bánh đặc sản nổi tiếng miền Bắc. Ngoài ra, tại vùng đất văn hiến Hưng Yên, món bánh dày của làng Gàu (thuộc xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cũng đã trở thành món đặc sản trứ danh của địa phương này.
Đặc biệt tại Mù Cang Chải, người H’Mông cũng có cho mình một món bánh dày đặc trưng của dân tộc. Bánh của dân tộc H’Mông được bắt nguồn từ một truyền thuyết lâu đời khác với sự tích “bánh chưng, bánh giầy” mà chúng ta vẫn hay được nghe.
Từ câu chuyện đó, người dân nơi đây xem món bánh dày là món ăn truyền thống, được truyền từ nhiều đời và không thể thiếu trong ngày tết, các ngày đặc biệt như lễ cưới, giỗ tổ hay lễ đặt tên cho trẻ con… Và món bánh truyền thống này đã trở thành đặc sản nổi danh của dân tộc H’Mông.
Kết luận
Trên đây là sơ lược về nguồn gốc, ý nghĩa, cách làm và những địa danh có đặc sản bánh dày tại Việt Nam. Có thể thấy đây là món bánh cực kỳ quen thuộc và phổ biến với người dân đất Việt, chất chứa nét văn hóa truyền thống của quê hương ta.