Trang phục dân tộc Tày mang một vẻ huyền bí, với nét đẹp rất riêng của đồng bào Tày tại Việt Nam. Trải qua nhiều năm, trang phục của người Tày vẫn giữ được nét bình dị, đơn giản mà không kém phần sang trọng của nó. Nhìn vào bộ trang phục, có thể nhìn thấy nét đẹp của văn hóa, truyền thống dân tộc Tày. Hãy cùng tìm hiểu về bộ trang phục quen thuộc của đồng bào dân tộc Tày nhé.
Dân tộc Tày – Một dân tộc anh em của Việt Nam
Người dân tộc Tày là dân tộc có số lượng dân lớn thứ hai chỉ sau người dân tộc Kinh. Đây là một dân tộc có ngôn ngữ riêng, đó là tiếng Tày với hệ ngôn ngữ Kra-Dai. Trước đây, người Tày được gọi là Thổ, tuy nhiên đến nay, cái tên này đã được sử dụng để gọi người Mường tại Nghệ An. Nhiều người cho biết, người Tày Việt Nam có nguồn gốc và quan hệ khá gần với dân tộc người Tráng tại Trung Quốc.
Người Tày tại Việt Nam hiện đang sinh sống nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc, điển hình như Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Giang và phía Tây Thanh Hóa. Dù hiện tại bà con đồng bào dân tộc Tày đã chuyển qua giao tiếp, làm việc bằng tiếng phổ thông, nhưng họ vẫn giữ được một kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú và giàu giá trị.
Từ ẩm thực, trò chơi, tập tục, lễ hội đến những ngôi nhà truyền thống cũng đều được người dân tộc Tày lưu giữ và phát triển. Nhờ vậy, đến tận bây giờ, không khó để bắt gặp những ngôi nhà sàn lợp cỏ gianh, những căn nhà đất 3 gian được dựng từ phên nứa. Nếu có dịp du lịch đến các địa phương có người dân tộc Tày sinh sống, bạn sẽ nhận thấy họ chia thành từng bản làng, thường người trong làng sẽ là họ hàng với nhau.
Điểm đặc biệt trên trang phục dân tộc Tày
Từ nhiều năm nay, trang phục của người dân tộc Tày đã trở thành một nét đẹp, một biểu tượng của văn hóa Tày. Có những loại trang phục khác nhau để sử dụng vào những dịp khác nhau. Với bộ trang phục Tày dùng trong ngày thường, nhìn vào cũng có thể thấy nổi lên nét chất phác, bình dị. Nhưng nhìn vào trang phục cưới của người Tày, chắc chắn du khách sẽ phải trầm trồ vì độ tinh xảo, đầu tư của nó.
Trang phục dân tộc Tày đen
Trang phục Tày đen là loại trang phục dân tộc thường thấy nhất, bởi nó có thể sử dụng trong những ngày thường, trong sinh hoạt và lao động. Bộ trang phục này có màu chàm (đen) được nhuộm từ cây chàm. Mặc dù nó có phần đơn giản, nhưng vẫn giữ được những nét đặc biệt với các loại phụ kiện đi kèm. Trang phục người Tày thường ít hoa văn, vì vậy nó sẽ là một bộ áo, quần trơn đen.
Chiếc áo dài tay sẽ gần giống áo dài, nhưng nó có độ rộng hơn và tà chỉ dài đến ngang bắp chân. Phụ nữ có thể mặc áo này cùng với quần dài hoặc chân váy đen dài đến ngang bắp chân để dễ dàng làm việc. Tô điểm cho bộ trang phục là chiếc khăn được thắt ngang bụng, khăn có màu hồng, xanh hoặc đỏ.
Trên đầu người phụ nữ dân tộc Tày có vấn tóc, giống với phụ nữ người Kinh. Tuy nhiên, người Tày sẽ đội thêm một chiếc khăn có họa tiết thổ cẩm thêu tay. Một số người sử dụng khăn đen để vấn tóc, số khác lại sử dụng khăn vải có in họa tiết sẵn. Chiếc khăn này không chỉ có tác dụng giữ tóc mà còn giúp người Tày lau mồ hôi, che nắng trong lúc làm việc.
Trang phục dân tộc Tày dùng cho biểu diễn
Trang phục dân tộc Tày dành cho biểu diễn sẽ được cách điệu hơn một chút. Vẫn là bộ áo, quần đen nhung độc đáo, nhưng giờ đây sẽ thêm phần nổi bật với những họa tiết thổ cẩm ở viền áo, cổ áo. Bên cạnh đó, cổ áo cũng không phải dạng hở mà sẽ là cổ tàu gần giống với áo dài. Trên cổ áo, sẽ có những dải thổ cẩm đầy sắc màu, được thêu tay vô cùng tinh xảo.
Không chỉ là những đường may thổ cẩm, trang phục dân tộc Tày sử dụng để biểu diễn còn có thể trang trí bằng hạt cườm, những đường chấm phá nổi bật theo dọc tà áo. Chiếc quần sử dụng để biểu diễn cũng được gắn thêm họa tiết như vậy, quần sẽ dài hơn quần mặc trong đời sống thường ngày. Đến chất vải cũng sẽ sử dụng loại vải nhung đen, bóng và nặng hơn vải thường.
Trang phục dân tộc Tày đám cưới
Trang phục được sử dụng trong đám cưới của người Tày cũng không kém phần độc đáo khi nguời Tày dùng thêm những vật dụng vô cùng ý nghĩa. Tiếp tục với bộ trang phục đen huyền quen thuộc, nhưng giờ đây, ở hai bên mép áo sẽ được thêu thêm những sợi chỉ xanh, đỏ, cam, vàng sặc sỡ.
Thêm vào đó, cô dâu và chú rể sẽ được buộc một tấm khăn đỏ quanh ngực, đây được xem là “sợi tơ duyên” gắn kết hai cuộc đời với nhau. Trong phong tục cưới hỏi của người Tày, đây là một vật dụng không thể thiếu. Ngoài ra, trong ngày cưới, bộ trang phục sẽ thêm phần nổi bật khi được kết hợp cùng với nhiều loại phụ kiện, trang sức khác.
Cách mặc trang phục dân tộc Tày đúng nhất
Trang phục của người dân tộc Tày rất dễ mặc, bởi nhìn chung áo khá giống với áo dài phổ thông. Đầu tiên cần chú ý tới phần áo, áo thường sẽ may kiểu cổ tròn, có đường xéo từ cổ xuống phần nách, phần này sẽ được gắn khuy để khuy vào giống áo dài. Vì vậy, khi chị em phụ nữ lựa chọn trang phục áo Tày cần chú ý chọn áo vừa vặn với mình, tránh gây khó chịu tại cánh tay và cổ.
Sau khi mặc áo vào, tiến hành khuy các đường chéo và điều chỉnh lại cổ áo sao cho dựng đứng, nghiêm chỉnh. Sau đó mặc quần hoặc váy, với phụ nữ, có thể chọn váy dài tới mắt cá hoặc váy dài tới bắp chân, hoặc mặc quần ống rộng đều được. Cuối cùng là bước quấn đai, lựa chọn 1 loại đai với màu sắc yêu thích, có thể là trơn hoặc thổ cẩm để quấn quanh bụng.
Tùy vào mục đích và tính chất của ngày đó mà có thể lựa chọn quấn đai hay không. Thông thường, chỉ cần mặc áo đen và quần đen, nam đội mũ, nữ quấn khăn là xong. Đối với các du khách muốn trải nghiệm trang phục, nên chọn loại biểu diễn thì sẽ phù hợp để chụp ảnh kỷ niệm.
Phân biệt trang phục Tày nam – nữ
Trang phục dân tộc Tày của nam và nữ rất dễ để phân biệt, chỉ cần nhìn một lần là nhận ra ngay. Với nam, trang phục sẽ đơn giản về mặt hoa tiết, nhưng lại độc đáo về mặt kết cấu, đường may.
Chẳng hạn như chiếc quần dành cho nam giới thường chỉ ngắn đến bắp chân, ống rộng đều, đũng quần sâu, sử dụng cạp lá tọa. Nam giới sẽ có áo ngắn được may 5 thân, cổ đứng và áo dài (có vạt áo dài ngang đầu gối) và áo tứ thân. Loại áo tứ thân sẽ có cổ tròn và không có cầu vai.
Thông thường, nam giới sẽ cài cúc bằng vải, tạo ra những chiếc nút theo hàng ngang, làm nổi bật thêm cho trang phục đơn màu này. Áo sẽ được may thêm hai chiếc túi ở phía trước, kích thước túi không rộng lắm.
Với nữ, trang phục có phần đa dạng hơn bao gồm: áo dài, áo cánh, quần hoặc váy, thắt lưng và khăn để đội đầu. Áo dài của nữ cũng sẽ có cổ tàu hoặc cổ tròn, có loại khuy trước như nam giới và có cả loại khuy chéo như Áo dài của người Kinh.
Đặc biệt, phụ nữ Tày có thể chọn mặc quần hay váy, thông thường họ sẽ mặc váy để dễ dàng vận động. Trang phục nữ giới còn đi kèm với chiếc khăn đội đầu và một chiếc đai màu chàm để quấn quanh bụng.
Phụ kiện đính kèm của trang phục dân tộc Tày
Phụ kiện là thứ không thể thiếu khi muốn trang phục dân tộc Tày thêm phần nổi bật. Trong những ngày bình thường, người dân tộc Tày sẽ hạn chế đeo nhiều phụ kiện để dễ dàng cho quá trình làm việc. Nhưng những ngày lễ, Tết và cưới hỏi thì phụ kiện sẽ được trưng dụng rất nhiều.
Đầu tiên phải kể đến những chiếc vòng cổ bằng bạc. Vòng cổ người Tày sử dụng sẽ không phải dạng dây chuyền được kết lại từ các mắt xích nhỏ, mà nó giống như cái kiềng thường sử dụng để trao vàng ngày cưới. Mỗi chiếc vòng bạc thường có đường kính từ 15cm và có nhiều kích cỡ khác nhau. Không chỉ đeo một kiềng, người ta có thể phối hợp cùng với dây chuyền bạc và những chiếc kiềng nhỏ hơn để tạo điểm nhấn.
Tiếp đến là bộ xà tích cũng được làm từ bạc. Bộ xà tích được sử dụng để người dân tộc Tày treo các vật cần thiết như cối giã trầu, chìa khóa, túi tiền, chiếc cào, thậm chí có thể treo cá sau khi đi câu về. Trông có vẻ đơn giản, nhưng những phụ kiện bằng bạc của người Tày đều mang giá trị lớn, cùng với đó là những hoa văn rất nhỏ vô cùng tinh xảo, được tạo nên hoàn toàn thủ công.
Bài toán bảo tồn trang phục dân tộc Tày
Mỗi một dân tộc đều có truyền thống và nét đẹp văn hóa riêng. Dân tộc Tày cũng vậy, họ có ngôn ngữ, có chữ viết, có phong tục, có trang phục và văn hóa. Xã hội ngày càng phát triển, số lượng người Tày không nói được tiếng Tày cũng ngày một nhiều, đi cùng đó là những bộ trang phục dần không được sử dụng phổ biến như trước.
Giờ đây, người ta chỉ sử dụng trang phục dân tộc Tày khi đến những ngày lễ, Tết hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa. Chính vì vậy, các cấp chính quyền luôn trăn trở, làm thế nào để nét đẹp văn hóa này không biến mất. Chắc chắn không thể nào ép buộc người dân sử dụng trang phục dân tộc thường xuyên, vì vậy, hiện nay, ngày càng có nhiều chương trình văn hóa được tổ chức.
Việc bảo tồn sẽ có sự phối hợp giữa người dân và chính quyền. Dù trong ngày bình thường, người dân tộc Tày có mặc các trang phục phổ thông nhưng trong những ngày lễ, họ vẫn ưu tiên và khuyến khích nhau sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc Tày. Cùng với đó, việc mang hình ảnh trang phục dân tộc đi tham gia nhiều sự kiện cũng là cách quảng bá tốt.
Kết luận
Trang phục dân tộc Tày là một vẻ đẹp văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc Tày. Nó không chỉ là một bộ trang phục, mà còn là linh hồn, là biểu tượng của cả một dân tộc. Bài viết trên là toàn bộ thông tin về trang phục của dân tộc Tày, mời bạn cùng theo dõi.